Những chặng đường lịch sử vẻ vang của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam:
Tổ chức Nông hội đỏ được thành lập ngày 14/10/1930, cách đây đã 92 năm. Tổ chức tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay, tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam chính thức được thành lập. Trải qua 92 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đã tập hợp, động viên giai cấp nông dân đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam, viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc.
Nhìn lại chặng đường lịch sử, vào những năm đầu thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam sống trong cảnh lầm than, dưới ách áp bức đô hộ của thực dân Pháp và triều đình phong kiến. Với lòng yêu nước thương dân, nhiều chí sỹ đã quên mình xả thân tìm đường cứu dân, cứu nước. Tiêu biểu như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám… song sự nghiệp không thành, từ chủ nghĩa yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm ra con đường cách mạng Việt Nam.
Ngày 03/02/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mở ra giai đoạn mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Là một nước thuộc địa, nửa phong kiến, hơn 92% dân sống ở nông thôn. Đảng ta đã nhận thức rất rõ vai trò của giai cấp nông dân và Đảng nhấn mạnh "Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng". Vì vậy, phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất. Ngay sau khi ra đời, Đảng đã khẩn trương chuẩn bị cả về tư tưởng và tổ chức để nhanh chóng hình thành các đoàn thể quần chúng. Ngày 14/10/1930 - Tổ chức Nông Hội đỏ ra đời nhằm tập hợp lực lượng nông dân đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam đấu tranh cho tự do, độc lập của dân tộc. Trong luận cương chính trị năm 1930 của Đảng đã khẳng định rõ mục tiêu của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, giai cấp nông dân Việt Nam và quần chúng cách mạng đã vùng lên đấu tranh anh dũng ở khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam và đặc biệt là cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), một bước tập dượt để tiến hành tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng 8 - 1945 thắng lợi.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 - 1945 đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam và nó là minh chứng hùng hồn nhất cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của nông dân với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, vào ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà độc lập và tự do ra đời. Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do, độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Đất nước vừa độc lập, dân tộc lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược với âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Trước tình thế hết sức khó khăn, vận mệnh dân tộc như “Ngàn cân treo sợi tóc” toàn Đảng, toàn dân bước vào cuộc đấu tranh đầy gian khổ, gay go quyết liệt chống phá cách mạng, bảo vệ thành quả cách mạng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thực hiện lời kêu gọi: “Kháng chiến, kiến quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng vạn thanh niên nông thôn cả hai miền Nam, Bắc đã lên đường tòng quân giết giặc, hàng chục triệu nông dân đã đóng góp sức người, sức của phục vụ tiền tuyến. Nông dân đứng trong mặt trận dân tộc thống nhất (Việt Minh, Liên Việt) đã tạo nên thế trận cả nước đánh giặc, toàn dân kháng chiến. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”; nông dân cả nước hăng hái tham gia phong trào “Thi đua ái quốc, sản xuất lập công, đề cao chiến sỹ” do Đảng và Chính phủ phát động. Hội Nông dân trong các vùng tạm chiếm đã tiến hành nhiều hình thức đấu tranh như: “Bám ruộng đất, làng xóm để sản xuất, tranh thủ thu hoạch và cất dấu lương thực, thực phẩm ở vùng địch hậu phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến” đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (5/1954) lừng lẫy năm châu trấn động địa cầu, kết thúc gần một thế kỷ ách áp bức, xâm lược của thực dân pháp.
Thắng thực dân Pháp, song dân tộc ta vẫn chưa được hưởng độc lập tự do trọn vẹn, bởi chính sách thực dân mới của đế quốc Mỹ xâm lược. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Ở miền Bắc hàng triệu thanh niên nông thôn lại lên đường nhập ngũ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng chục triệu nông dân với khẩu hiệu “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, xây dựng vững chắc hậu phương, đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, làm nên một chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đập tan huyền thoại của không lực Hoa kỳ. Ở miền Nam, địa bàn nông thôn luôn là trận địa, là đối tượng giành giật giữa ta và địch. Từ cuộc đấu tranh chống tố cộng, chống địch cướp bóc, chiếm đoạt. Nông dân đã đứng lên khởi nghĩa vũ trang, phong trào khởi nghĩa của nông dân đã tạo thành phong trào đồng khởi vũ trang. Tạo nên điều kiện cho xây dựng lực lượng để đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hoá chiến tranh”, chiến lược “Gọng kìm bình định nông thôn” của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Cùng cả nước bước tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa Xã hội.
Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước năm 1975 đưa đất nước hoàn toàn độc lập - tự do. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, nông dân cả nước nhanh chóng tổ chức lại cuộc sống, mang lại màu xanh cho ruộng đồng, thôn, ấp, bản, làng và cũng từ đây, giai cấp nông dân Việt Nam lại cùng toàn dân làm nên kỳ tích trong sự nghiệp đổi mới. Từng bước xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, tìm ra cơ chế khoán sản phẩm khẳng định kinh tế hộ trong nông nghiệp, nông thôn để tạo nên một bước nhảy vọt trong trồng trọt, chăn nuôi và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đã góp phần quan trọng đưa nước ta từ một quốc gia thiếu đói trầm trọng về lương thực để trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới.
Những thành tựu quan trọng trên mặt trận nông nghiệp có ý nghĩa lớn lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế, góp phần thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Sau 92 năm, Hội Nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Từ Nông Hội đỏ, Hội tương tế ái Hữu, Hội Nông dân Phản đế, Hội Nông dân Cứu quốc đến Hội Nông dân Giải phóng ở Miền Nam, Hội Liên hiệp Nông dân tập thể ở Miền Bắc và từ ngày 01/3/1988, Ban Bí thư TW Đảng quyết định đổi tên Hội Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Ở bất kỳ giai đoạn nào với tên gọi khác nhau, song tổ chức chính trị của giai cấp nông dân luôn thể hiện rõ vai trò và vị trí của mình trong việc tập hợp, động viên giai cấp nông dân tham gia tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Nông dân Việt Nam họp tháng 3/1988 tại Hà Nội là mốc son đánh dấu sự phát triển của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Sau 30 năm củng cố xây dựng và trưởng thành. Đến nay đã tổ chức thành công 6 kỳ Đại hội toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam có trên 10 triệu hội viên. Tổ chức Hội đã thực sự trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Trải qua 92 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Nông dân Việt Nam vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng; Huân chương Độc lập Hạng nhất; Huân chương Lao động Hạng nhì và nhiều cờ thi đua xuất sắc, bằng khen của Chính phủ. 10 Anh hùng Lao động là hội viên nông dân trong thời kỳ đổi mới.
Giai cấp nông dân và hội nông dân xã Xuân Lộc qua 92 năm xây dựng và trưởng thành.
Trải qua 92 năm truyền thống lịch sử của giai cấp nông dân và Hội Nông dân xã Xuân Lộc gắn liền với truyền thống lịch sử của dân tộc, của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam . Với tinh thần yêu nước và cách mạng, quá trình hình thành và phát triển của giai cấp nông dân xã nhà luôn gắn bó mật thiết với lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân và Đảng bộ xã Xuân Lộc. Trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử, giai cấp nông dân xã nhà cũng luôn giữ vững niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Hội Nông dân xã đã tổ chức thành công các kỳ Đại hội đại biểu, đó là những mốc son, đánh dấu sự phát triển và trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao trong từng thời kỳ. Đến nay, Hội Nông dân xã Xuân Lộc đã tập hợp được 85% hội viên tham gia sinh hoạt.
Nhiệm kỳ vừa qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân xã Xuân Lộc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban chấp hành Đảng bộ xã, sự quan tâm chỉ đạo của Hội Nông dân cấp trên, giai cấp nông dân trong xã phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, tranh thủ khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đoàn kết, thi đua thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã; Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp đề ra.
Có thể khẳng định trong những năm qua, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Ban chấp hành Hội Nông dân xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ và hoàn thành 100% chỉ tiêu do Đại hội Hội Nông dân xã đề ra. Trong những năm qua các cấp Hội được Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông Dân huyện tặng nhiều bằng khen cho các tập thể, cá nhân ghi nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của Hội.
Với mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện có hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; Tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; Xây dựng phát triển mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Tổ chức tốt các phong trào thi đua của Hội nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, từng bước nâng cao đời sống nông dân; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới bền vững, giữ vững ổn định an ninh, chính trị - xã hội trên địa bàn nông thôn
Phát huy truyền thống vẻ vang, lòng yêu nước nồng nàn và tuyệt đối trung thành với Đảng của giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam, Cán bộ, hội viên Hội Nông dân xã Xuân Lộc tăng cường đoàn kết, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thử thách quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tham gia xây dựng Nông Thôn Mới bền vững góp phần xây dựng xã Xuân Lộc ngày càng giàu đẹp văn minh.